ĐẨY MẠNH TỰ CHỦ ĐẠI HỌC ĐỂ HỘI NHẬP SÂU RỘNG HƠN

00:44, 16/08/2016
53358
0

Đẩy mạnh tự chủ đại học để hội nhập sâu rộng hơn

GD&TĐ - Xu hướng đổi mới GD ĐH theo hướng tự chủ - tự chịu trách nhiệm là một đòi hỏi tất yếu và cấp thiết. Quyền tự chủ ĐH cũng đã có quy định trong Luật GD ĐH. Tuy nhiên, trong 420 trường ĐH, CĐ cả nước hiện nay, mới chỉ có 12 trường đang bắt đầu thí điểm cơ chế tự chủ, như vậy là chưa theo kịp xu thế đổi mới.

Phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS TS Bùi Anh Thủy – P. Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội kiêm Giám đốc Cơ sở II tại TP HCM xung quanh vấn đề này.

Ông có nhận xét gì về việc triển khai thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định “về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”, và mới đây là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/CP?

 PGS TS Bùi Anh Thủy:   Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ra đời cách đây 10 năm, là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Nó tạo ra những tiền đề quan trọng trong việc trao cho người đứng đầu các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước có những quyền hạn nhất định trong quản lý, trong đó có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, về tài chính, về thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, dường như chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ, như giữa Bộ GD-ĐT với Bộ Nội vụ, và các Bộ khác, các UBND cấp tỉnh có trường đại học, nên việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện về giao quyền, phân quyền, đề cao tính tự chủ cho các tổ chức giáo dục công lập về tổ chức bộ máy đã tiến hành rất chậm, thậm chí có nội dung gần như không triển khai được.

Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BGD-ĐT-BNV của Liên bộ: Nội vụ, GD-ĐT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự,…theo quy định tại Nghị định số 43/NĐ-CP tới tận ngày 15/4/2009 mới được ban hành. Và ngay cả sau khi có Thông tư liên tịch 07/TTLT nêu trên, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện đầy đủ.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số: 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định số 43/CP, với những nội dung mới, làm rõ hơn, sâu sắc hơn vấn đề tự chủ, tuy nhiên có một số nội dung có phần thắt lại, hạn chế tính tự chủ của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Và đặc biệt đến nay, sau hơn 1 năm, Nghị định này vẫn chưa triển khai được, do chưa có Thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan. Đó là điều đáng tiếc. Sự phát triển của giáo dục đại học nước ta vì thế sẽ tiếp tục bị chậm lại, bị nới rộng khoảng cách với các đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hình như Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ vẫn chưa thật sự vận dụng một cách quyết liệt cơ chế tự chủ để lãnh đạo Nhà trường. Ông có thể lý giải?

bui_anh_thuy_zrxa

PGS TS Bùi Anh Thủy 

PGS TS Bùi Anh Thủy: Tôi cho rằng, rất ít Hiệu trưởng không muốn tự chủ để đưa trường của mình phát triển. Hiệu trưởng nào ỷ lại, chỉ muốn bám víu, dựa dẫm cơ chế bao cấp, trông chờ “nguồn sữa” của nhà nước, chắc chắn đó là người thiếu năng lực lãnh đạo trường đại học. Như vậy, cái trường đó không bao giờ phát triển, mà nó sẽ chỉ loay hoay xoay sở trong những khiếm khuyết, những căn bệnh cố hữu như là thuộc tính của nó vậy.

 

Tuy nhiên, với những Hiệu trưởng năng động, tâm huyết, muốn sử dụng những điểm tích cực của cơ chế tự chủ trong quản trị trường đại học, thì cũng cần những điều kiện thiết yếu. Về pháp lý, theo tôi, Điều lệ trường đại học (ĐLTĐH) nên được ban hành bởi một Nghị định của Chính phủ, để các Bộ thành viên Chính phủ tiếp cận sâu, và có trách nhiệm hơn khi Nghị định được thông qua. Khi đó, Bộ liên quan phải có ngay văn bản hướng dẫn thi hành. Tránh tình trạng như hiện nay, nhiều Bộ, ngành không triển khai thực hiện ĐLTĐH đã được ban hành theo Quyết định của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiên quyết hơn trong việc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Cần sớm tổng kết việc thí điểm tự chủ của các trường đại học để hoàn thiện cơ chế và luật hóa cơ chế đó, để hiệu lực thực thi cao hơn.

Như vậy, các Hiệu trưởng đại học có tâm huyết mới khai triển được năng lực của mình, đưa trường phát triển tích cực, từ đó góp phần cải thiện thang bậc giáo dục đại học nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày nay.

Muốn thực hiện thành công cơ chế tự chủ - tự chịu trách nhiệm, bắt buộc các trường ĐH, CĐ phải khẩn trương thành lập Hội đồng Trường. Vấn đề này đã được quy định rõ trong ĐLTĐH do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, đến nay trên cả nước, số lượng trường ĐH đã thành lập Hội đồng trường có thể đếm trên đầu ngón tay. Ông nhìn nhận vấn đề như thế nào?

PGS TS Bùi Anh Thủy: Hội đồng trường là mô hình quản trị đại học hiện đại, rất thông dụng trên thế giới, đã được đặt ra ngay trong Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ĐLTĐH và sau này nó tiếp tục được khẳng định trong Quyết định số: 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 và mới đây là Quyết định số: 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng chính phủ ban hành ĐLTĐH sửa đổi.

Tuy nhiên, đến nay số lượng các trường có Hội đồng trường rất ít, bởi lẽ, việc lập Hội đồng trường với nhiều vai trò, quyền hạn như quy định của ĐLTĐH dường như bị chạm đến thẩm quyền của các Bộ, ngành, UBND đang là chủ quản của trường đại học. Và ngoài ra còn vai trò của tổ chức đảng cơ sở nữa. Muốn thành lập Hội đồng trường, phải giải quyết rõ mối quan hệ đặc biệt này.

Ngoài ra, cũng còn do một số Hiệu trưởng không muốn thành lập Hội đồng trường, thậm chí cản trở tiến trình này, có lẽ vì sợ vai trò của cá nhân mình bị hạn chế, không có nhiều quyền uy như khi chưa có Hội đồng trường.

Trong phát biểu gần đây, Phó thủ tướng (PTT) Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tự chủ ĐH không chỉ là tài chính, mà còn ở tổ chức, ở nhân sự, ở học thuật. Không nên hiểu cực đoan tự chủ là tự mình làm hết – Nhà nước thì buông, như vậy là không đúng”. Theo ông, chỉ đạo nói trên của PTT cần được triển khai thực hiện ra sao?

PGS TS Bùi Anh Thủy :Tôi hoàn toàn tán thành nhận định trên của PTT Vũ Đức Đam. Chúng ta hiểu tự chủ đại học trong khuôn khổ sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, về tài chính, về xây dựng tổ chức bộ máy, và nhất là về học thuật. Hiện nay, ngoại trừ Bộ GD-ĐT quản lý chuyên môn, còn lại các cơ quan chủ quản khác hầu như chỉ nắm con người, chế độ và vấn đề tài chính, cơ sở vật chất chứ không quan tâm và không đủ bộ máy để quản lý cả khía cạnh chuyên môn, học thuật của trường đại học.

Do vậy, cần để các cơ quan này hiểu rằng, họ phải trao thêm nhiều quyền hạn hơn nữa cho các trường đại học mà họ đang quản lý, để trường đại học có được quyền tự chủ trong hoạt động.  Và khi giao quyền như vậy không phải là “buông hết” mà họ vẫn thực hiện vai trò quản lý, lãnh đạo đối với trường ĐH đó. Chỉ khác là, phương thức lãnh đạo thay đổi mà thôi. Có như vậy, giáo dục đại học của nước ta mới lớn lên được.

Sự công khai, minh bạch trong hoạt động của trường ĐH, đang là vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm. Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo từ hơn 5 năm nay, yêu cầu các trường phải thực hiện quy định “3 công khai và 4 kiểm tra”. Tuy nhiên, đa số thông tin mà các trường “3 công khai” trên Website của trường là khá cũ, mờ nhạt, không đầy đủ, thiếu cập nhật. Theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ?

PGS TS Bùi Anh Thủy: Công khai, minh bạch trong hoạt động của trường ĐH là điều rất cần thiết để xã hội nhìn nhận, đánh giá, giám sát và để người học nắm biết, so sánh, không bị mù mờ thông tin khi đưa ra quyết định lựa chọn trường để nộp hồ sơ xin xét tuyển vào học. Công khai minh bạch là công cụ kiểm soát hữu hiệu và nó thúc đẩy các trường ĐH tự cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng lực tài chính, năng lực của bộ máy nhân sự và năng lực chuyên môn, học thuật.

Sở dĩ còn nhiều trường ĐH không thực hiện nghiêm túc việc công khai, cung cấp thông tin cũ, không chính xác, theo tôi nghĩ, là vì: Hoặc họ đang thiếu hụt những điều kiện cần thiết nói lên năng lực, uy tín của trường, mà nếu đưa ra công khai, sẽ gây phản cảm, ảnh hưởng đến “uy tín” ảo của trường, hoặc có thể họ đang chưa coi trọng việc này.

Để thực hiện nghiêm túc việc công khai, Bộ GD-ĐT chỉ cần niêm yết danh sách các trường không minh bạch thông tin theo quy định, lên Website của Bộ là tình hình sẽ cải thiện ngay.

Tăng quyền tự chủ để giúp các trường ĐH phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội (ngoại lực), đưa trường vươn lên - nhất là về chất lượng đào tạo. Muốn vậy, các trường cần phải được kịp thời kiểm định chất lượng đào tạo… - thực tế cho thấy công tác kiểm định đến nay chưa được thật sự đẩy mạnh. Xin cho biết ý kiến của ông?

PGS TS Bùi Anh Thủy: Kiểm định chất lượng đào tạo là vấn đề cốt lõi để đánh giá chính xác về uy tín, vị trí của một trường ĐH trong hệ thống. Công việc đó nếu thực hiện tốt sẽ thúc đẩy chất lượng giáo dục ĐH nước ta cải thiện về mọi mặt, bởi nó đụng chạm đến tất cả các khía cạnh hoạt động của một trường ĐH. Các nước có nền giáo dục ĐH tiên tiến thực hiện việc đó đã từ lâu.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là vấn đề mới. Tôi cho rằng, việc này cần sớm được đẩy mạnh. Nó sẽ cần những hỗ trợ kỹ thuật của nhà nước và những nỗ lực của các Hiệu trưởng, cũng như đội ngũ giảng viên, cán bộ của các trường ĐH.

Và như chính quý báo đã nêu, điều đó đòi hỏi phải có cơ chế trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, để các trường ĐH phát huy tối đa sức mạnh nội lực và để huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội, vươn lên bắt kịp yêu cầu của thời đại.

Đinh Lê Yên (thực hiện)

 

Người viết : Đinh Lê Yên (thực hiện)
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline