Là nhà báo: Tâm phải sáng, kiến thức pháp luật phải sắc!

22:47, 20/06/2015
3002
0
“Nếu nghề Báo và nghề Luật gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi nghề và làm lợi nhiều hơn cho xã hội”. Đó là quan điểm của Tiến sĩ Bùi Anh Thủy – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc trường Đại học Lao động – Xã hội, Cơ sở TP. HCM – "một nhà báo tay ngang" nói về nghề báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tiến sĩ Bùi Anh Thủy – Giám đốc trường ĐH Lao động -Xã hội, Cơ sở TP.Hồ Chí Minh. 

PV: Xin chào ông! Được biết ông từng trải qua quân ngũ, từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 và đã viết báo từ ngày đó. Ông có thể cho biết đôi nét về điều này?

TS Bùi Anh Thủy: Tôi đến với báo từ năm 1977, khi đang là lính thuộc Trung đoàn Trung Dũng, đóng quân trên vùng đất Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Bài báo đầu tiên tôi viết là mẩu tin về trung đoàn, đăng trên báo Quân khu 3, bút danh là Nam Trung.

Sau này tôi đam mê với nghề viết. Nhưng rồi, ở biên cương Tổ quốc, đã có những áp lực đối với nền hòa bình và độc lập của ta. Đơn vị chúng tôi bắt đầu tập luyện nhiều hơn với súng đạn và công sự. Những cuộc hành quân cũng thường xuyên hơn; trèo đèo, lội suối, mang vác nhiều hơn. Và cuối cùng, vào những ngày đầu Xuân 1979, chiến cuộc đã xảy ra. Trung đoàn tôi có mặt tại Lạng Sơn chỉ một ngày sau đó. Các địa danh: Cao Lộc, Thị xã Lạng Sơn, Mai Pha, động Tam Thanh, cầu Kỳ Cùng trở nên gần gũi, quen thuộc ngay dưới chân khi chúng tôi di chuyển, chiến đấu dưới làn đạn pháo và tiếng súng, tiếng thét, tiếng kèn của địch. Lạng Sơn khi đó không còn là câu chuyện mang sắc mầu huyền bí về một nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đã hóa đá trong truyền thuyết dân gian, trong ca dao, hay trong ca khúc Hòn vọng phu của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Thương nữa. Những trận đánh ác liệt đã nhuộm màu đỏ lên trang sách. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, có người đến nay vẫn không tìm được hài cốt. Tất cả sự phi lý và nghiệt ngã ấy của chiến tranh đã cuốn tôi quên đi việc viết báo.

Năm 1981, tôi rời quân ngũ, về học đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp, tôi về Bộ Lao động công tác. Chính sự chật vật của đời sống ngày ấy, những thôi thúc của cuộc mưu sinh và năng lượng chất chứa của tuổi trẻ đã khiến tôi lại viết báo.

Tôi bắt đầu viết cho Hà Nội mới, Đại Đoàn kết và cả Nhân dân chủ nhật. Với Đại Đoàn kết, tôi thường trích sử cũ, rồi rút ra bài học trị quốc thời hiện đại. Ví như chuyện một Thượng hoàng nhà Trần ném ấn vào Vua (con) vì Vua mở tiệc uống rượu trong giờ lẽ ra phải coi việc nước. Rồi chuyện ông Thượng hoàng mắng Vua phong quá nhiều quan tước, cấp quá nhiều bổng lộc cho bầy tôi trong một nước “bé bằng bàn tay”. Sau này ông Vua đó sửa mình rất nghiêm, thành một vị Vua anh minh, đưa nước Việt trở nên thái bình, thịnh trị…

PV: Được biết, ông từng đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, điều gì đã khiến ông không theo nghiệp văn chương mà lại theo ngành Luật?

Tôi chưa từng nghĩ mình có tài văn chương dù rất yêu văn học. Lên sáu tuổi tôi biết đọc thông thạo và bắt đầu làm quen với các truyện thơ Phạm Công – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Quan Âm Thị Kính mà mẹ thường ngâm ngợi cho tôi nghe lúc tôi nhổ tóc sâu cho bà. Lớn thêm chút, tôi bắt đầu đọc Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du ký, Tây sương ký, Ngũ hổ bình Liêu, Thuyết Đường, Hán Sở tranh hùng,…và các bộ: Bồng Lai hiệp khách, Giao Trì hiệp nữ. Tôi nhớ như in tên các nhân vật, thậm chí nhớ từng trang sách. Đến nay, tôi vẫn thuộc hầu hết các đoạn thơ trong Tam quốc chí. Học lên cấp 3, tôi đọc hầu hết các tiểu thuyết nổi tiếng của Tự lực văn đoàn và khá nhiều tác phẩm văn học kinh điển xuất bản thời bấy giờ. Thế nhưng, tôi lại thích ngành luật.

Ở Bộ Lao động, tôi tham gia việc soạn thảo Bộ Luật lao động. Năm 1987, tôi được cử vào Tiểu Ban soạn thảo Luật Đầu tư nước ngoài của Chính phủ, biên soạn Quy chế Lao động đối với doanh nghiệp FDI. Năm 1995, tôi gia nhập Đoàn Luật sư TP. HCM. Năm 1996, tôi được Bộ trưởng Tư pháp cấp thẻ Trọng tài viên, là một trong 8 người sáng lập Trung tâm Trọng tài thương mại đầu tiên tại TP. HCM.

Nhà báo cần có tâm sáng và am hiểu pháp luật

PV: Theo ông, với xu thế của nước ta thời hội nhập toàn cầu, thì nghề Luật và nghề Báo có mối quan hệ thế nào? Có ý kiến cho rằng, một số nhà báo ít hiểu biết về pháp luật nên sản phẩm thông tin thiếu độ tin cậy. Ý kiến của ông về việc đó?

Trong giai đoạn hội nhập của nước ta hiện nay, giữa Nghề Luật với nghề Báo có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau và phản biện lẫn nhau. Công lý muốn được thực thi đầy đủ thì rất cần sự công khai, minh bạch. Báo chí là công cụ truyền tải những thông tin liên quan đến việc thực thi pháp luật, giúp quá trình giám sát việc thực thi hiệu quả. Ở chiều ngược lại, những người làm báo cần có hiểu biết về pháp luật để khi tác nghiệp không vi phạm luật, không đưa tin sai sự thật, làm thiệt hại cho nhà nước, tổ chức, cá nhân…, đưa tin dạng “đánh đấm” hoặc che chắn, bảo kê cho tội phạm. Ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc đó. Do vậy, nếu hai nghề này gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi nghề và làm lợi nhiều hơn cho xã hội.

Ví dụ mới đây, ngay khi hàng nghìn công nhân của một doanh nghiệp đình công, biểu thị sự không thống nhất với nội dung Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội thì chính nhờ tác động của truyền thông mà sự việc đã mau chóng có phản hồi, tiếp thu từ Chính phủ và Quốc hội.

PV: Làm luật sư là để bảo vệ pháp luật, gỡ tội cho thân chủ, còn làm nhà báo là để tìm ra sự thật, bảo vệ sự thật. Nếu được chọn lại nghề, ông sẽ chọn nghề nào?

Làm luật sư theo đúng nghĩa là một việc không hề dễ dàng. Luật sư tham gia bảo vệ lẽ công bằng, bảo vệ thân chủ… Những luật sư có tài năng tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài, hiệp hội nghề nghiệp nước ngoài, tại cơ quan tài phán nước ngoài. Các vụ kiện chống bán phá giá về giày da, sản phẩm may mặc, vụ kiện tôm, cá da trơn mà chúng ta phải tham gia với tư cách bị đơn là minh chứng cho vai trò quan trọng của luật sư ngày nay, ở tầm mức “thân chủ” là lợi ích quốc gia.

Luật sư cũng như nhà báo, đều có bổn phận tìm ra, nói lên sự thật và bảo vệ sự thật. Đó là lý do mà xã hội đề cao vai trò của luật sư và những nhà báo chân chính. Tôi đánh giá cao cả hai việc kể trên, Tuy nhiên giờ nếu chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề luật.

PV: Chắc ông có không ít kỷ niệm đáng nhớ về nghề luật sư. Liệu ông có thể chia sẻ?

Trong nhiều năm là luật sư, tôi đã bào chữa cho nhiều thân chủ, cũng như viết hàng trăm bài báo liên quan đến pháp luật, giải đáp chính sách pháp luật cho độc giả trên nhiều tờ báo lớn… Tôi chỉ xin kể một kỷ niệm thế này: Năm 1995, tôi bào chữa miễn phí cho một bị cáo vị thành niên quê Hải Phòng, trong vụ án hình sự tại Quận B, TP. HCM. Cậu thanh niên đó dắt trộm một cái xe đạp cũ, bị bắt, rồi bị truy tố về “tội trộm cắp tài sản của công dân”. Tôi vào gặp cậu ta trong nhà tạm giam, được biết cha cậu là liệt sĩ hy sinh tại Cao Bằng năm 1979, khi cậu vừa một tuổi. Lên hai, mẹ bỏ nhà đi, cậu ở với bà nội. Cậu học hết lớp hai thì nghỉ, ở nhà phụ bà nhặt củi ở bến sông để bán lấy tiền, cho đến ngày có cậu bạn rủ vào Sài Gòn đánh giày để kiếm ăn. Nhưng không dễ chút nào: Các cậu bị đánh, bị quăng đồ vì phạm vào lãnh địa của mấy tay “anh chị”. Cậu bạn bỏ về quê. Cậu ta ở lại và thế là phạm pháp.

Khi bào chữa cho cậu, tôi nói: “Người cha của bị cáo đã hoàn thành nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc, nhưng chưa làm tròn bổn phận của một người cha với con mình”. Một vị nữ hội thẩm nhân dân vốn công tác ở ngành giáo dục rút khăn chấm nước mắt… Cậu thanh niên sau đó được tuyên trả tự do tại phiên tòa với hình phạt bằng số ngày đã bị giam giữ.

PV: 21 năm làm nhà giáo, chắc ông thường theo dõi thông tin về ngành giáo dục – đào tạo. Theo ông, lâu nay việc đưa tin, bài về nhà trường, học sinh, đặc biệt là về nhà giáo có gì cần lưu ý? Điều cần nhất với người cầm bút viết về sự nghiệp “trồng người” là gì?

Giáo dục – đào tạo luôn là vấn đề chiến lược hàng đầu của mỗi quốc gia. Ở nước ta, nhiều năm nay, Nhà nước và xã hội luôn đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì thế, báo giới quan tâm, đề cập thường xuyên về nhà trường, nhà giáo và học sinh cũng là chuyện tất nhiên. Có điều, dường như chúng ta vẫn chưa biết nên đổi mới thế nào, thành ra cứ tranh luận trái chiều liên miên. Và báo giới càng có nhiều chuyện để nói. Cũng vì thế, nhiều bài viết hơi thái quá, đổ hết lỗi cho giáo dục.

Lần đó, ở Hà Nội, tôi đi taxi trên đường Nguyễn Hữu Huân. Cậu tài xế chừng 21-22 tuổi rất mau miệng: Chú nhìn xem, ở trường cô dạy các cháu luật giao thông, nhưng giờ bố, mẹ đi đón con leo hết xe lên vỉa hè, đèn chưa xanh đã chạy ào ào. Tôi giật mình, là phụ huynh sai chứ đâu phải là giáo dục. Hay sai từ trước đó nữa chăng?

Tất nhiên, nhiều trường làm công tác tuyển sinh, giảng dạy, thi cử còn nhiều khía cạnh chưa tốt. Cũng như vẫn có nhà giáo chưa giữ trọn đạo làm thầy. Nhưng bất luận thế nào, một xã hội muốn được phát triển, văn minh thì nghề giáo luôn cần được đề cao. Và nhà báo khi viết về vấn đề gì, nhất là viết về giáo dục, cần có cái tâm trong sáng và một nhãn quan tích cực, không bị đồng tiền hay những toan tính thiển cận làm hoen ố.

Xin cảm ơn ông!

Theo congluan.vn

Người viết : admin
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline